09.03.2024 – Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay
Lời Chúa: Lc 18, 9-14
“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Tự hào về sự đạo đức của mình và khinh người khác, Đó chẳng phải chuyện của các ông Pharisêu ngày xưa. Đó là chuyện của con người mọi thời, của chính các môn đệ hôm nay. Chúng ta nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho mình trong Mùa Chay thánh. Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn. Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa. Họ là một ông Pharisêu thánh thiện và một người thu thuế tội lỗi. Nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng họ.
Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa. Ông kể ra những điều xấu mà ông không làm như bao kẻ khác, hay như tên thu thuế mà ông thoáng thấy đứng cuối đền thờ (c. 11). Ông còn kể những việc đạo đức tự nguyện về ăn chay và dâng cúng mà ông đã làm vượt quá những gì Luật đòi buộc. Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do Thái tử tế phải thèm. Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ :
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c. 13). Anh thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ. Kết luận của Đức Giêsu hẳn đã làm nhiều người chưng hửng. Người thu thuế được Thiên Chúa làm cho nên công chính, còn người Pharisêu thì không (c. 14). Thiên Chúa có bất công không ? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không ?
Thật ra, ông Pharisêu không được gì vì ông đã không xin gì. Ông không xin vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức. Ông ra trước Thiên Chúa với một kho công trạng của mình. Có bao nhiêu chữ con đầy tự hào trong lời nguyện của ông. Chúng ta tưởng ông mở ra khi nói “con tạ ơn Thiên Chúa” nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình. Rốt cuộc Thiên Chúa là người thừa, cùng lắm chỉ là người ông đến đòi nợ. Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, lỗi tội. Chính điều đó khiến anh hết sức cần đến Thiên Chúa. Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ. Không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở. Nên thánh không phải là chuyện “tôi làm” mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi. Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình, lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể trong Tin mừng hôm nay đặt sau lời giảng về ngày quang lâm, để nhấn mạnh rằng: thái độ thích hợp của con người trong khi chờ đợi Chúa là phải cầu nguyện.
Trình thuật Luca mô tả thái độ cầu nguyện tương phản giữa hai nhân vật và đưa đến hai hệ quả trái nghịch nhau: “Một người thuộc nhóm Pharisêu – còn được gọi là Biệt phái; còn người kia làm nghề thu thuế”. Người Biệt phái là người tuân giữ Lề luật cách tỉ mỉ nhằm tách biệt khỏi đám đông và các đảng phái khác, và tự coi mình là công chính. Còn người thu thuế là kẻ phản dân tộc, quốc gia vì làm tay sai cho đế quốc Rôma, là một tội nhân công khai trong dân tộc Do Thái thời bấy giờ.
Trước hết, người Biệt phái cầu nguyện rất tự tin đến độ tự hào về chính mình, được biểu lộ qua tư thế đứng thẳng. Anh ta tạ ơn Chúa vì mình không như kẻ khác. Lời tạ ơn của anh không phải vì nhận ra ơn lành Chúa ban nhưng mang đậm tính kiêu ngạo, tự mãn về mình vì anh không như người khác: tham lam, bất chính, ngoại tình… Quả thực, anh ta không làm điều gì xấu cả. Hơn nữa, thậm chí anh ta còn ăn chay mỗi tuần hai lần. Theo Luật, mỗi người ăn chay chỉ một lần trong năm. Thế nhưng anh ăn chay mỗi tuần hai lần, vượt quá đòi hỏi của Luật. Thêm vào đó, anh còn dâng thuế thập phân về hết mọi thứ hoa lợi cho Chúa. Theo Luật, chỉ đóng một phần mười thu nhập quan trọng mà thôi. Tuy nhiên, anh này đã dâng một phần mười tất cả các khoản thu mua của mình.
Như thế, trong tương quan với Lề luật, anh ta chẳng làm gì xấu cả, trái lại còn làm nhiều việc tốt nữa; trong tương quan với Chúa, anh kể công trạng với Chúa, cậy vào công đức của mình mà không cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua đây cho thấy anh thiếu lòng khiêm tốn; còn trong tương quan với tha nhân, anh thiếu lòng yêu thương và khoan dung, thậm chí, anh còn dựa vào tình trạng công chính của mình mà khinh dễ người ta: “vì con không như bao kẻ khác…” (c. 11). Qua đó cho thấy anh thiếu lòng bác ái.
Kế đến, người thu thuế là hạng người bị người Do Thái coi khinh và bị đồng hoá với những người tội lỗi. Anh “đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên vì anh ý thức thân phận tội lỗi của mình và anh “đấm ngực” ăn năn thống hối van xin “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Anh ta chỉ còn mỗi cách là “xin Chúa thương xót” và đó chính là thái độ đúng nhất, vì “Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát khiêm cung” (x. Tv 50)
Từ hai thái độ cầu nguyện trên, người thu thuế ra về thì được công chính vì anh khiêm tốn, cậy dựa vào tình thương của Chúa. Còn người Biệt phái thì không được công chính vì anh quá cậy dựa vào công trạng của mình mà không cần đến Thiên Chúa và khinh chê tha nhân. Qua đây, cho thấy sự khác biệt là người Biệt phái tìm sự công chính qua chính khả năng của mình và người thu thuế thì cậy dựa vào tình thương của Thiên Chúa.
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy rằng: việc trở nên công chính hay không chẳng phải bởi sức riêng mình mà chính là do lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện mỗi ngày “xin tha cho chúng con là kẻ tội lỗi” (Lc 11,4). Chúng ta chẳng có lý do nào mà để tự hào cả, vì thánh Phaolô nói: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1,31; 2Cr 10,17) vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Bởi vì sự công chính có được khi biết khiêm nhường ăn năn sám hối và biết tin tưởng phó thác (x. Lc 15,7.10).
Lạy Chúa, trước thánh nhan Chúa, chẳng có người nào là công chính. Xin giúp chúng con luôn biết noi gương người thu thuế là khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi của mình để chỉ biết sống cậy dựa vào Thiên Chúa. Xin đừng để chúng con rơi vào thái độ của người Biệt phái, chỉ cậy dựa vào sức mình mà rơi vào kiêu ngạo, kể công với Chúa và khinh dể tha nhân. Xin Chúa chúc phúc cho ước nguyện sống thánh thiện của chúng con. Amen.